Công Nghệ & Đổi Mới

Đưa năng lượng tái tạo vào đồng ruộng giúp tăng thu nhập và năng suất cho nhà nông

Trong bối cảnh chi phí sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, tài nguyên đất đai bị thu hẹp

Đưa năng lượng tái tạo vào đồng ruộng giúp tăng thu nhập và năng suất cho nhà nông

Trong bối cảnh chi phí sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, tài nguyên đất đai bị thu hẹp và áp lực giảm phát thải ngày càng lớn, việc tích hợp điện mặt trời vào các mô hình nông nghiệp truyền thống đang được xem là giải pháp khả thi để tăng hiệu quả sử dụng đất và tối ưu hóa nguồn lực. Một số mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi với điện mặt trời đã chứng minh được hiệu quả về mặt kinh tế, năng suất và đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh (An Giang) đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi, đông trùng hạ thảo trong hệ thống nhà mà mái được lắp đặt pin mặt trời. Theo đại diện hợp tác xã, nhờ mái che từ tấm pin, độ ẩm được giữ ổn định, giúp năng suất tăng 30-40%, chi phí sản xuất giảm khoảng 30%. Không chỉ vậy, nguồn thu từ bán điện lên lưới mỗi năm đem về gần 1,5 tỷ đồng. Một mô hình khác tại Ninh Thuận – Công ty Thảo dược LKVN – trồng đinh lăng và chế biến thành sản phẩm xuất khẩu trong khu nhà xưởng lắp đặt điện mặt trời. Mỗi hecta trồng đinh lăng cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng một năm, chưa kể tiết kiệm điện đáng kể trong quá trình sản xuất.

Năng suất tăng, khí thải giảm nhờ công nghệ xanh

Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp (IAE) và Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp (AMI), mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời hiện có ba hình thức phổ biến: trồng cây dưới tấm pin, chăn nuôi trong nhà có mái che pin và nuôi thủy sản kết hợp lắp pin mặt trời trên bờ bao hoặc ao lắng. Đáng chú ý, một số mô hình trồng rau như cải thìa, rau muống, dưa leo dưới mái che từ pin mặt trời cho năng suất cao hơn so với canh tác ngoài trời. Cụ thể, năng suất cải thìa che bóng 30% đạt 20 tấn/ha, vượt xa mức trung bình 15 tấn/ha không che. Rau muống có thể đạt tới 10 tấn/ha khi che 70% diện tích – gần gấp đôi mức thông thường.

Không chỉ năng suất cải thiện, các chuyên gia cho rằng mô hình này giúp hạn chế sâu bệnh, mẫu mã rau đồng đều, tiết kiệm nước tưới và phân bón. Thêm vào đó, điện mặt trời sản sinh có thể sử dụng trực tiếp cho vận hành trang trại hoặc bán lại cho điện lưới theo quy định của Nghị định 135. Ở một số vùng nông thôn khó tiếp cận điện lưới, mô hình tự sản – tự tiêu càng phát huy hiệu quả.

Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và kinh tế xanh tại Việt Nam, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới cam kết Net Zero 2050.

Mô hình gà hạnh phúc

Rào cản lớn từ chi phí và chính sách

Mặc dù tiềm năng rõ ràng, mô hình này vẫn còn khó nhân rộng. Một trong những thách thức lớn nhất chính là chi phí đầu tư ban đầu. Theo bà Châu Thị Nương từ HTX Tà Đảnh, để triển khai điện mặt trời trên mái trại nấm, họ phải đầu tư khoảng 15 tỷ đồng cho mỗi hecta. Mô hình chăn nuôi “gà hạnh phúc” tại Ninh Thuận cũng gặp khó vì chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp pin mặt trời “vô cùng lớn”. Trong khi đó, hầu hết nông hộ tại Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế.

Chưa dừng lại ở đó, vấn đề pháp lý cũng khiến nhiều nhà đầu tư bối rối. Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng đất cho mục đích kép (nông nghiệp kết hợp năng lượng). Nhiều người sở hữu đất và có vốn vẫn chưa dám triển khai vì không rõ đất sẽ bị quản lý theo hướng nào: nông nghiệp hay năng lượng tái tạo. Ngoài ra, thị trường còn thiếu các đơn vị tư vấn độc lập có thể hỗ trợ thiết kế hệ thống canh tác kết hợp phù hợp với từng vùng, từng loại cây trồng.

Thực tế, không phải cây trồng nào cũng phù hợp với mô hình này. Theo nghiên cứu ban đầu của IAE và AMI, lúa và khổ qua là hai loại cây bị giảm năng suất đáng kể khi trồng dưới mái che pin. Việc xác định mật độ che phủ hợp lý, lựa chọn cây trồng phù hợp và đánh giá tác động đến chất lượng sản phẩm vẫn là khoảng trống cần được nghiên cứu sâu hơn. Ngoài ra, cơ quan quản lý địa phương cũng nhấn mạnh đến yêu cầu minh bạch về chất lượng nông sản sản xuất trong điều kiện che sáng – điều mà người tiêu dùng cần được đảm bảo nếu muốn mở rộng thị trường nội địa.

Leave a Reply